GIAO LƯU HỌC THUẬT GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG VÀ TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN TP. HCM: HÀNH TRÌNH GẮN KẾT VÀ PHÁT TRIỂN

13

Từ ngày 21 đến 23 tháng 4, khoa Ngữ Văn Anh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. HCM đã có chuyến thăm và làm việc tại Trường Đại học Ngoại thương, mở ra những cơ hội kết nối chuyên môn giữa hai đơn vị. Với vai trò chủ nhà, khoa Tiếng Anh Chuyên ngành đã đóng góp tích cực vào các hoạt động học thuật, giúp tăng cường trao đổi chuyên sâu về giảng dạy và nghiên cứu.

Đại diện khoa TACN đón tiếp đoàn khoa Ngữ Văn Anh tại văn phòng khoa.

Điểm nhấn quan trọng của chuỗi sự kiện là hai buổi tọa đàm khoa học, nơi giảng viên và học viên cao học cùng chia sẻ những góc nhìn mới về phương pháp giảng dạy tiếng Anh trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ giáo dục.

TỌA ĐÀM NGÀY 21 THÁNG 4: ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY

Chiều ngày 21 tháng 4, tọa đàm “Đổi mới phương pháp giảng dạy Tiếng Anh: Hợp tác, Hòa nhập và Ứng dụng công nghệ trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” diễn ra với sự tham gia của năm nhóm trình bày, trong đó có hai bài nghiên cứu quan trọng từ các giảng viên khoa Tiếng Anh Chuyên ngành.

Buổi tọa đàm diễn ra với sự góp mặt của đông đảo các thầy cô và học viên đến từ hai khoa.

Bài trình bày “Small Bites, Big Impact: Microlearning in the Modern ELT Classroom” của cô Nguyễn Hà Mai Chi và Nguyễn Thị Nam Phương đã giới thiệu về phương pháp Microlearning (học tập vi mô) – một chiến lược giảng dạy hiện đại giúp tăng cường mức độ tương tác và khả năng ghi nhớ của người học thông qua các bài học nhỏ gọn, tập trung. Dựa trên nền tảng lý thuyết nhận thức, học tập theo mô hình Just-in-Time và kỹ thuật lặp lại có giãn cách, nghiên cứu đã đề xuất cách tích hợp microlearning vào giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã trình bày cách áp dụng công cụ công nghệ như các nền tảng được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, bảng tương tác, ứng dụng flashcard và môi trường học tập game hóa để tạo ra trải nghiệm học tập cá nhân hóa, trực quan và hiệu quả hơn.

Bài nghiên cứu thứ hai của khoa Tiếng Anh Chuyên ngành, “Adapting Assessments for AI-Era Learners”, do cô Đỗ Phương Anh và Nguyễn Thị Phương Thảo thực hiện, tập trung vào việc thích ứng các phương pháp đánh giá trong bối cảnh giáo dục chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ trí tuệ nhân tạo. Bài trình bày đã phân tích tác động của các công cụ như ChatGPT và trình kiểm tra ngữ pháp AI đối với việc học tập, đồng thời chỉ ra những thách thức đối với phương pháp đánh giá truyền thống. Nhóm nghiên cứu đề xuất một số chiến lược điều chỉnh cách thức kiểm tra, nhằm giúp việc đánh giá phản ánh chính xác khả năng tư duy và sử dụng ngôn ngữ của người học trong môi trường công nghệ cao.

Sự kết hợp giữa hai bài nghiên cứu từ khoa Tiếng Anh Chuyên ngành cùng ba bài trình bày của các học viên cao học từ khoa Ngữ Văn Anh đã tạo nên một tọa đàm sôi nổi, cung cấp nhiều cách tiếp cận đổi mới trong giảng dạy tiếng Anh và phương pháp đánh giá trong kỷ nguyên số.

Một số khoảnh khắc trong buổi tọa đàm.

TỌA ĐÀM NGÀY 23 THÁNG 4: TRAO QUYỀN CHO NGƯỜI HỌC

Sáng ngày 23 tháng 4, tọa đàm “Trao quyền cho người học Tiếng Anh: Chiến lược phát triển kỹ năng ngôn ngữ học thuật và nâng cao năng lực tự chủ” tiếp tục thu hút sự quan tâm lớn từ giới giảng dạy. Buổi thảo luận được tổ chức theo hình thức ba phòng chạy song song, tạo điều kiện để giảng viên và nghiên cứu sinh tiếp cận các chủ đề đa dạng liên quan đến phương pháp học tiếng Anh hiệu quả.

Đại diện khoa TACN – cô Đoàn Hồng Nhung có đôi lời phát biểu trong tọa đàm.

Trong đó, khoa Tiếng Anh Chuyên ngành đảm nhiệm một phiên thảo luận độc lập, với bài nghiên cứu “Using Project-Based Learning to Enhance Intercultural Communicative Competence in Academic English for Business Students: A Case from Foreign Trade University” do cô Vũ Thị Minh Khánh, Hà Cẩm Vân và Trịnh Hoa Minh trình bày. Bài nghiên cứu đã tập trung vào việc ứng dụng phương pháp học tập theo dự án (Project-Based Learning – PBL) để giúp sinh viên ngành tiếng Anh chuyên ngành phát triển năng lực giao tiếp liên văn hóa trong bối cảnh học thuật. Qua những phân tích thực tiễn và minh chứng từ lớp học tại Trường Đại học Ngoại thương, bài trình bày đã làm rõ cách PBL có thể hỗ trợ sinh viên nâng cao kỹ năng ngôn ngữ, đồng thời giúp họ thích ứng tốt hơn với môi trường học tập và làm việc đa văn hóa.

CÁC HOẠT ĐỘNG BÊN LỀ VÀ LỄ KÝ KẾT HỢP TÁC

Bên cạnh các hoạt động học thuật, khoa Tiếng Anh Chuyên ngành đã hướng dẫn đoàn khách tham quan khuôn viên khoa và trường, giới thiệu về môi trường giảng dạy, giúp khách mời có cái nhìn trực quan về mô hình đào tạo tại Đại học Ngoại thương.

Ban chủ nhiệm khoa TACN cùng khách mời tham quan khuôn viên trường.

Sau khi các buổi tọa đàm khoa học kết thúc tốt đẹp, đại diện hai khoa đã tiến hành lễ ký kết hợp tác, mở ra hướng phát triển lâu dài giữa hai đơn vị. Đại diện ký kết là Trưởng khoa Tiếng Anh Chuyên ngành – Tiến sĩ Hoàng Thị Hòa và Trưởng khoa Ngữ Văn Anh – Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nguyên.

Buổi ký kết đã thành công tốt đẹp trước sự chứng kiến của đại biểu tham dự.

BUỔI TIỆC GIAO LƯU: KHÉP LẠI HÀNH TRÌNH GẮN KẾT

Để kết thúc chuỗi sự kiện một cách trọn vẹn, một buổi tiệc giao lưu đã được tổ chức tại khách sạn Bảo Sơn, tạo cơ hội để giảng viên và học viên cao học từ hai khoa có thêm thời gian trao đổi chuyên môn, kết nối và chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy trước khi đoàn khách mời trở về TP. HCM.

Hai bên khoa cùng chụp một bức ảnh lưu giữ kỉ niệm sau buổi tiệc.

Chuyến thăm lần này không chỉ mang lại cơ hội giao lưu học thuật mà còn giúp củng cố mối quan hệ hợp tác giữa hai đơn vị, mở ra nhiều triển vọng hợp tác trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành.