KHOA TIẾNG ANH CHUYÊN NGÀNH TRIỂN KHAI TỔ CHỨC HỘI THẢO KHOA HỌC CẤP TRƯỜNG: “NGÔN NGỮ, GIAO TIẾP VÀ VĂN HÓA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TRONG KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA DÂN TỘC.”

45

I. Mục đích hội thảo

Trong bối cảnh đất nước đang ngày càng vươn mình trên trường quốc tế, cách thức các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng ngôn ngữ, thực hành giao tiếp và định hình văn hoá tổ chức trở nên ngày càng quan trọng. Ba yếu tố này, tuy mang những chức năng riêng biệt, nhưng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và lan tỏa giá trị dân tộc ra toàn cầu.

Do đó, hội thảo với chủ đề: “Ngôn ngữ, giao tiếp và văn hóa doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.” được tổ chức nhằm mục đích tạo diễn đàn trao đổi kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức học thuật về mối quan hệ giữa ngôn ngữ, giao tiếp và văn hóa doanh nghiệp trong hành trình vươn mình của doanh nghiệp Việt Nam; thảo luận các xu hướng, mô hình và chiến lược vận dụng ba yếu tố này trong đào tạo nguồn nhân lực và phát triển tổ chức; đồng thời thúc đẩy sự hợp tác giữa giảng viên, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách trong việc xây dựng hệ sinh thái đào tạo về ngôn ngữ, giao tiếp và văn hóa tổ chức. Qua đó, hội thảo cũng đóng góp thiết thực cho công tác giảng dạy, nghiên cứu và kết nối thực tiễn trong lĩnh vực ngôn ngữ chuyên ngành tại Trường Đại học Ngoại thương.

II. Thời gian và địa điểm dự kiến

– Thời gian: 8h30-12h ngày 13 tháng 10 năm 2025

– Địa điểm: Trường Đại học Ngoại thương (Trụ sở chính Hà Nội), 91 Phố Chùa Láng, Phường Láng Thượng, Quận Đống Đa, Hà Nội

III. Thành phần tham dự:

– Ban Giám hiệu Trường Đại học Ngoại thương

– Giảng viên Trường Đại học Ngoại thương và các trường đại học khác

– Chuyên gia trong lĩnh vực ngôn ngữ, giao tiếp và văn hóa doanh nghiệp

– Đại diện các doanh nghiệp 

– Nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên quan tâm

IV. Thư mời viết bài

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, giảng viên, nhà quản lý, chuyên gia và người học cùng trao đổi về mối liên kết chặt chẽ giữa ba trụ cột bao gồm: ngôn ngữ, giao tiếp và văn hóa doanh nghiệp trong hành trình giúp các doanh nghiệp Việt Nam vươn mình trên trường quốc tế. Các nội dung thảo luận trọng tâm của hội thảo là việc phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong quản trị hiện đại; xây dựng chiến lược sử dụng ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp hiệu quả để giữ gìn và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, và thúc đẩy doanh nghiệp Việt vươn mình mạnh mẽ trong giai đoạn mới.

Ban tổ chức trân trọng kính mời các nhà khoa học, giảng viên, nhà quản lý, chuyên gia và người học tham gia viết bài cho Hội thảo theo các chủ đề gợi ý kèm theo.

1. Nội dung bài viết

Các bài viết cho hội thảo bao gồm (nhưng không giới hạn ở) các chủ đề dưới đây:

  • Mô hình đào tạo tích hợp ba yếu tố: ngôn ngữ chuyên ngành, giao tiếp chuyên nghiệp và giáo dục văn hóa tổ chức.
  • Hợp tác nhà trường – doanh nghiệp trong huấn luyện kỹ năng giao tiếp và định hình văn hóa tổ chức.
  • Cách sử dụng tiếng Việt và tiếng Anh trong tổ chức góp phần hình thành phong cách giao tiếp và phản ánh văn hóa doanh nghiệp.
  • Giao tiếp trong môi trường song ngữ
  • Kỹ năng lắng nghe – phản hồi – thương lượng gắn liền với việc duy trì không gian văn hóa tích cực trong tổ chức.
  • Bản sắc văn hóa doanh nghiệp Việt trong thời kỳ mới. 
  • Văn hóa học hỏi và phản hồi trong tổ chức: nền tảng cho đổi mới. 

2. Thời hạn  

Tác giả gửi bài viết qua email khoatacn@ftu.edu.vn cho Ban tổ chức với thời hạn như sau:

  • Tiếp nhận bài viết và gửi xin ý kiến phản biện: 20/06/2025 – 20/08/2025
  • Gửi kết quả phản biện cho các tác giả: 21/08/2025 – 25/08/2025
  • Tiếp nhận kết quả chỉnh sửa: 26/08/2025 – 01/09/2025
  • Ngày diễn ra hội thảo: 13/10/2025

3. Quy định về hình thức và ngôn ngữ bài viết:

  • Bài viết được trình bày bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh
  • Bài viết có độ dài không quá 6.000 từ (đã bao gồm bảng, biểu và tài liệu tham khảo);
  • Phần tóm tắt bài viết không quá 250 từ
  • Bài viết được trình bày trên khổ giấy A4, cỡ chữ 12, font chữ Times New Romans, cách dòng 1.5
  • Bài viết có các từ khóa (Keywords) với số lượng không quá 5 từ khóa, xếp theo thứ tự chữ cái đầu tiên
  • Trích dẫn tài liệu tham khảo và trình bày tài liệu tham khảo theo hình thức APA (7th Ed). 

Bài viết có chất lượng tốt sẽ được chấp nhận trình bày tại Hội thảo và được xem xét đăng trong Kỷ yếu của Hội thảo.

Ban tổ chức rất mong nhận được bài viết của Quý vị.

Trân trọng cảm ơn!

                                                                                              KT HIỆU TRƯỞNG

                                                                                             PHÓ HIỆU TRƯỞNG

                                                                                        PGS. TS. Đào Ngọc Tiến