HỘI THẢO “SỬ DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO (AI) TRONG GIẢNG DẠY NGOẠI NGỮ TẠI CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC ĐẠI HỌC”

247

Ngày 31 tháng 5 năm 2024, Khoa Tiếng Anh Chuyên ngành vinh dự được đại diện cho Trường Đại học Ngoại thương để tổ chức một hội thảo đặc biệt về chủ đề:
Sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giảng dạy ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục đại học.


Về phía nhà trường, hội thảo có sự hiện diện của nhiều lãnh đạo và giảng viên từ các khoa và các phòng ban khác nhau, bao gồm:

PGS, TS. Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng
TS. Hoàng Thị Hòa, Trưởng khoa Tiếng Anh Chuyên ngành
PGS, TS. Nguyễn Phúc Hiền, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo Chất lượng
PGS, TS. Hoàng Xuân Bình, Trưởng khoa Kinh tế Quốc Tế
PGS, TS. Lê Thái Phong, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh
PGS, TS. Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng viện nghiên cứu sáng tạo
TS. Lê Quang Sáng, Trưởng khoa Tiếng Trung Quốc
ThS. Lê Thanh Thùy Dương, Phó trưởng khoa tiếng Trung Quốc
ThS. Nguyễn Diệu Thái, Phó trưởng khoa Tiếng Pháp
Cùng đông đảo các giảng viên khác

Về phía khách mời, hội thảo cũng đón tiếp các đại biểu danh dự từ các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp khác, bao gồm:
PGS, TS. Phạm Thị Thanh Thùy, Trưởng khoa Ngoại ngữ Kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân
ThS. Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học, Đại học Mỏ-Địa chất
Ông Trần Quốc Long, đại diện tổ chức PUM
Ông Nguyễn Hữu Vinh, CEO công ty VMC
TS. Phạm Quang Quyền, Học viện Nội vụ
TS. Nguyễn Lan Phương, Trưởng khoa Tiếng Anh, Đại học Thương Mại

Mở đầu hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thu Hương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương, đã có bài phát biểu về sự cần thiết và kịp thời của hội thảo trong bối cảnh công nghệ AI đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo PGS, việc ứng dụng AI không chỉ giúp cải thiện chất lượng giảng dạy ngoại ngữ nói riêng mà còn mang lại lợi ích cho công tác giảng dạy nói chung.


Hội thảo còn có sự góp mặt của bốn diễn giả chính, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về việc ứng dụng AI trong lĩnh vực giáo dục.

1. Thạc sĩ Mark Thomas Kierans, chuyên gia cao cấp của PUM, đã trình bày về chủ đề: AI in Higher Education: Navigating Rough Waters


Trong bài trình bày, ông nhấn mạnh vai trò quan trọng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc biến đổi nền giáo dục đại học. Các công cụ dựa trên AI mang lại trải nghiệm học tập được cá nhân hóa, thích ứng với nhu cầu và tốc độ học tập của từng học sinh.

Gia sư ảo cung cấp những hỗ trợ theo thời gian thực, thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc và tạo điều kiện cho các hệ thống học tập thông minh đưa ra những phản hồi theo yêu cầu, giúp sinh viên xác định và giải quyết các điểm yếu của họ.

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng AI trong giáo dục cũng đối mặt với những thách thức như bảo vệ quyền riêng tư về dữ liệu và giải quyết các mối lo ngại về đạo đức. Ông kết luận rằng việc sử dụng AI trong giáo dục cần được thực hiện một cách thận trọng, cân nhắc và tích hợp một cách chu đáo, với những quan điểm đạo đức, nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình học tập.

2. TS. Nguyễn Hữu Cương, Trưởng phòng Đảm bảo chất lượng giáo dục, Trường Đại học Văn Lang, đã trình bày về chủ đề: Sử dụng AI để xây dựng phần tổng quan nghiên cứu

Diễn giả đã trao đổi về việc sử dụng AI để xây dựng phần tổng quan nghiên cứu với các nội dung chính như:

  • Một số phần mềm phổ biến để xây dựng phần tổng quan nghiên cứu
  • Lợi ích của việc sử dụng AI để xây dựng phần tổng quan nghiên cứu
  • Các bước xây dựng phần tổng quan nghiên cứu với AI
  • Thực hành sử dụng phần mềm elicit và/hoặc Jenni.

Cuối cùng, ông đưa ra một số khuyến nghị khác về việc sử dụng AI trong việc xây dựng phần tổng quan nghiên cứu.

3. TS. Bế Thị Tuyết, Giảng viên khoa Tiếng Anh Chuyên ngành, Trường Đại học Ngoại thương, đã chia sẻ về chủ đề: Integration of ChatGPT and Interactive Learning Platforms in Teaching English Listening Skills

Trong bài trình bày của mình, diễn giả đề xuất các phương pháp tiếp cận hiệu quả để giảng viên đại học sử dụng ChatGPT kết hợp với các nền tảng học tập tương tác, hỗ trợ việc soạn giáo án, bổ sung thêm tài liệu cũng như thiết kế các hoạt tương tác trong lớp. Những phương pháp này nhằm mục đích nâng cao kỹ năng nghe tiếng Anh cũng như tạo sự hứng thú trong việc học cho sinh viên.

4. TS. Nguyễn Thị Thủy, Giảng viên khoa Tiếng Anh Chuyên ngành, Trường Đại học Ngoại thương, đã trình bày chủ đề: FTU students’ perceptions and experience of using ChatGPT: A preliminary study

Diễn giả tập trung vào việc khảo sát nhận thức và trải nghiệm của sinh viên FTU với ChatGPT. Kết quả phân tích cho thấy hầu hết sinh viên đánh giá ChatGPT là dễ sử dụng và có ích. Tuy nhiên, có lo ngại về tính nhất quán và thông tin không chính xác. Hơn một nửa số sinh viên (53,8%) tin rằng ChatGPT đã cải thiện kết quả học tập của họ.

Sự hài lòng chung với trải nghiệm ChatGPT được thể hiện khi có 46,1% sinh viên bày tỏ sự hài lòng và 64,9% sẵn lòng giới thiệu công cụ này cho sinh viên khác. Điều này nhấn mạnh vai trò tích cực của ChatGPT trong việc hỗ trợ học tập và duy trì tính nhất quán của sinh viên.

Cuối cùng, sau các bài thuyết trình của các diễn giả, các khách mời đã có những câu hỏi và trao đổi sâu về các nội dung đã được trình bày.

Kết thúc hội thảo, đội ngũ tổ chức và các diễn giả hứa hẹn rằng những vấn đề liên quan đến trí tuệ nhân tạo sẽ tiếp tục được thảo luận và nghiên cứu sâu hơn trong các hội thảo tiếp theo trong tương lai.